Về thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI), địa phương này năm 2021 chỉ xếp thứ 20 cả nước. Nhưng theo kết quả 9 tháng đầu năm 2022, tỉnh đã nhảy 10 bậc trên bảng xếp hạng, lọt top 10 toàn quốc. Địa phương được nói tới chỉnh là tỉnh Nghệ An. Vì sao Nghệ An “có chân” trong top 10 địa phương hút vốn FDI tốt nhất cả nước?
Nghệ An lọt top 10 địa phương thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước trong 9 tháng đầu năm 2022
Theo báo cáo tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài 9 tháng đầu năm nay, top 10 địa phương thu hút được dòng vốn FDI nhiều nhất cả nước gốm có: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hải Phòng, Đồng Nai, Hà Nội, Bắc Giang, Long An và Nghệ An. Trong đó, Nghệ An năm nay đã vươn lên là tỉnh lần đầu tiên nằm trong danh sách này.
Trong đó, Nghệ An thu hút dòng vốn FDI với tổng số vốn cấp mới và điều chỉnh tăng thêm đạt 605,42 triệu USD trong 9 tháng đầu năm 2022. Tại phiên họp thường kỳ tháng 9/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, ông Nguyễn Đức Trung cho biết, đây là lần đầu tiên Nghệ An lọt top 10 địa phương có thu hút đầu tư FDI nhiều nhất trong 9 tháng đầu năm.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 9,22%. Chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng ước tăng 9,69% so với cùng kỳ năm 2021. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 9 tháng ước thực hiện gần 15.730 tỷ đồng, đạt hơn 105% dự toán, bằng 111,7% so với cùng kỳ. Chi ngân sách địa phương ước thực hiện 21.891 tỷ đồng, đạt 70,5% dự toán.
Còn về thu hút đầu tư, Nghệ An đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến ngày 20/9, tỉnh Nghệ An đã cấp mới cho 80 dự án và điều chỉnh 79 lượt dự án, tăng cao so với cùng kỳ. Tổng số vốn cấp mới và tăng thêm gần 31.490 tỷ đồng.
Nghệ An đã tận dụng triệt để tiềm năng có sẵn để có được kết quả thu hút FDI tốt như vậy. Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, địa hình phong phú, đa dạng, có biển, đồng bằng, trung du và miền núi. Cùng với đó, Nghệ An có tài nguyên rừng, biển và các loại khoáng sản. Các loại khoáng sản mà Nghệ An sở hữu có giá trị kinh tế và tiềm năng là đá hoa trắng, quặng thiếc, vàng, chì – kẽm, sắt, đá quý, đá vôi xi măng, khoáng sản làm vật liệu xây dựng,.. Theo đó, Nghệ An có nguồn tài nguyên tiềm năng phục vụ cho ngành xây dựng.
Trong những năm qua, Nghệ An đã nỗ lực trong việc cải thiện hệ thống giao thông. Hiện nay, hệ thống giao thông của tỉnh hội tụ đầy đủ các tuyến đường bộ, cảng hàng không, đường biển, đường thủy nội địa, đường sắt và các cửa khẩu. Do đó, tỉnh là đầu mối giao thông quan trọng của khu vực Bắc Trung Bộ, giao thương giữa hai miền Bắc Nam cả nước cũng như trong tuyến hành lang kinh tế Đông Tây. Trong đó, tỉnh có 5 tuyến đường bộ ngang hướng Đông Tây nối với Lào. Từ đó, hệ thống giao thông của tỉnh có tiềm năng trong phát triển logistics.
Ngoài ra, các khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN) của tỉnh cũng đang được chú trọng phát triển để thu hút đầu tư. Đặc biệt. tỉnh ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Nghệ An sẽ không xem xét mở rộng, gia hạn hoạt động đối với những dự án khai thác tận dụng tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh, sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Để thu hút dòng vốn đầu tư nhiều hơn nữa nhằm phát triển kinh tế, Nghê An đang tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn về hạ tầng cảng nước sâu và nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Vinh. Bên cạnh đó, tỉnh đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình trọng điểm như đường cao tốc Bắc – Nam, đường ven biển.
>> Đọc thêm: Toàn cảnh hệ thống tiện ích nổi trội tại Đại đô thị Eco Central Park Vinh
Vì sao Nghệ An “có chân” trong Top 10 địa phương hút vốn FDI tốt nhất cả nước
Để đạt được kết quả đáng ghi nhận nêu trên, trong 3 năm gần đây, trước sự dịch chuyển làn sóng đầu tư, tỉnh Nghệ An đã có nhiều đổi mới trong thu hút đầu tư nước ngoài. Đó là, xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư; thúc đẩy, hỗ trợ triển khai có hiệu quả các dự án phát triển hạ tầng khu công nghiệp; tích cực, chủ động và linh hoạt trong xúc tiến, thu hút đầu tư, thường xuyên quan tâm, hỗ trợ triển khai các thủ tục của các dự án FDI.
Thời gian giải quyết các thủ tục hành chính của dự án FDI trọng điểm đã được giảm 2/3 so với thời gian theo quy định của pháp luật. Nghệ An cũng đã tập trung hỗ trợ hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp đầu tư, trong đó có doanh nghiệp FDI. Ngoài ra tỉnh cũng phát huy vai trò của các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, trong công tác xúc tiến thu hút đầu tư và hỗ trợ đầu tư đối với các nhà đầu tư thứ cấp.
Tính từ năm 2019 đến nay, địa phương này đã thu hút được hơn 1,8 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có 4 dự án thuộc lĩnh vực sản xuất thiết bị điện tử và công nghệ. Nghệ An sẽ tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ mà chúng tôi gọi là 5 sẵn sàng – Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung cho biết.
Thứ nhất là sẵn sàng về mặt bằng đầu tư: Nghệ An đã và đang thúc đẩy, hỗ trợ các nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp; hoàn thành đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp hiện hữu; sẵn sàng về quy hoạch và các điều kiện để phát triển thêm các khu công nghiệp mới.
Đến năm 2025, tỉnh Nghệ An bảo đảm có đủ quỹ đất khu công nghiệp, mặt bằng sạch và hạ tầng đồng bộ, hiện đại với tổng diện tích khoảng 2.000 ha trong Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp để đón nhận nhà đầu tư.
Thứ hai là sẵn sàng về hạ tầng thiết yếu: Hiện Tỉnh đang tập trung huy động nguồn lực đầu tư để hoàn thiện kết cấu hạ tầng trọng yếu như: Dự án xây dựng Cảng nước sâu Cửa Lò, Dự án đầu tư nâng cấp và mở rộng Cảng hàng không quốc tế Vinh; phối hợp với Bộ Giao thông vận tải để sớm hoàn thành Dự án đường cao tốc Bắc – Nam.
Dự án đầu tư nâng cấp và mở rộng Cảng hàng không quốc tế Vinh
Ngoài ra, Nghệ An cũng tập trung hoàn thiện hệ thống hạ tầng và dịch vụ xã hội như khu nhà ở công nhân, nhà ở cho chuyên gia nước ngoài; cơ sở giáo dục, dạy nghề và cơ sở y tế chất lượng cao; cơ sở thương mại, dịch vụ, khách sạn và du lịch nghỉ dưỡng tiêu chuẩn quốc tế.
Thứ ba là sẵn sàng về nguồn nhân lực: Với hơn 1,6 triệu người trong độ tuổi lao động, Nghệ An luôn sẵn sàng cung cấp hằng năm khoảng 45.000 lao động, trong đó có 30.000 lao động đã qua đào tạo; hệ thống đào tạo nghề đa ngành, đa lĩnh vực với 17 trường đại học, cao đẳng và 70 cơ sở đào tạo nghề.
Thứ tư là sẵn sàng đổi mới, cải cách, cải thiện thực chất môi trường đầu tư, kinh doanh; đơn giản hóa thủ tục hành chính theo hướng “Một cửa tại chỗ”, “Một đầu mối”, nhất là thủ tục đầu tư vào khu kinh tế, các khu công nghiệp được giải quyết nhanh chóng, thuận lợi; xây dựng tinh thần chính quyền phục vụ, lấy thước đo niềm tin, sự hài lòng của doanh nghiệp, nhà đầu tư là mục tiêu cốt lõi để thúc đẩy thu hút đầu tư và phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Thứ năm là sẵn sàng hỗ trợ: Các dự án đầu tư, FDI đầu tư vào Nghệ An đều được quan tâm hỗ trợ từ khi nghiên cứu khảo sát, cấp phép triển khai, đi vào hoạt động và trong suốt quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, tỉnh kịp thời giải quyết những vướng mắc, khó khăn cho nhà đầu tư.
Theo ecoparkcorp.net